Thực hiện kế hoạch hoạt động chuyên môn năm học 2020-2021 của Tổ Khoa học xã hội, nhóm Ngữ Văn-Lịch sử-GDCD tiếp tục đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học.
Trong sinh hoạt tổ chuyên môn, tập trung dành nhiều thời gian trao đổi các vấn đề chuyên môn như: Xây dựng, rút kinh nghiệm các tiết dạy theo hướng nghiên cứu bài học; trao đổi kinh nghiệm về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi; trao đổi sáng kiến hay trong đổi mới phương pháp dạy học, kết quả vận dụng các phương pháp dạy học tích cực đạt hiệu quả cao hoặc trao đổi những thuận lợi khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong môn học.
Với qui trình 4 bước nghiên cứu bài học: Xây dựng bài dạy; dạy, dự giờ; thảo luận, rút kinh nghiệm và áp dụng vào thực tiễn, giáo viên trong nhóm thực hiện nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao. Tiết dạy theo hướng nghiên cứu bài học là công trình của cả tập thể, người dạy và người dự đều phải xác định được vai trò quan trọng của mình. Người dạy phải vận dụng nghiệp vụ sư phạm của mình để định hướng cho học sinh khai thác, tiếp cận kiến thức theo phương pháp mà nhóm đã xây dựng, đồng thời phải linh hoạt xử lí các tình huống xảy ra trong tiết dạy. Còn giáo viên dự thì phải rèn kĩ năng quan sát, phát hiện, ghi nhận để sau đó tiến hành thảo luận, rút kinh nghiệm.
Hoạt động nghiên cứu bài học mang lại hiệu quả đáng kể, hoạt động này còn giúp các đồng chí giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn, kĩ năng sư phạm và phát huy khả năng sáng tạo trong việc áp dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học thông qua việc dự giờ, trao đổi, thảo luận, chia sẻ khi dự giờ. Tăng thêm tình đoàn kết thân thiện, tăng cường kỹ năng quan sát, phân tích hoạt động học của học sinh một cách sát thực... qua đó rút ra nhiều bài học trong quá trình tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh. Đặc biệt là học sinh học tích cực, chủ động hơn, các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực của giáo viên đưa ra, kích thích được tư duy sáng tạo của học sinh, các em yêu thích môn học hơn, góp phần nâng cao chất lượng môn học.