NGƯỜI HIỆU TRƯỞNG HẾT LÒNG VỚI SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC ĐỊA PHƯƠNG
Văn Đức là một vùng quê yên bình nằm bên con sông Hồng lịch sử. Dòng sông phù sa bồi đắp ôm trọn những bãi ngô xanh mướt trải dài uốn lượn quanh làng. Tự bao giờ, nói tới Văn Đức là người ta nghĩ ngay tới “ vùng sâu vùng xa”. Mà quả là “ vùng sâu vùng xa” thật khi nó nằm cuối cùng của huyện Gia Lâm về phía đông nam. Đường sá đi lại khó khăn, cuộc sống của người dân còn nhiều nhọc nhằn vất vả. Có lẽ đây là nơi duy nhất của huyện có xóm vạn chài bên sông, cuộc sống lênh đênh sông nước, quanh năm “ gạo chợ nước sông”. Vậy mà vẫn có những con người đã gắn bó sâu nặng với mảnh đất này suốt cả cuộc đời làm nghề dạy học. Đó là cô giáo Nguyễn Thị Xuân – Nguyên Bí thư chi bộ - Nguyên Hiệu trưởng nhà trường.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình ở làng gốm cổ truyền Kim Lan, ngay từ nhỏ, cô đã có niềm yêu thích đặc biệt với những viên phấn trắng. Một niềm vui thích của trẻ thơ nào ngờ lại là bước tiền đề lớn cho những bước đi sau này của người thiếu nữ. Kết thúc những năm tháng học trung học phổ thông, vào thời điểm quyết định lựa chọn nghề nghiệp mình sẽ gắn bó, cô đã không ngần ngại mà quyết định chọn cho mình cái sự nghiệp trồng người và xây đời ấy. Được coi là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, đó còn là một nghề vô cùng khó khăn. Trong suốt những năm tháng ngồi trên ghế giảng đường, cô Xuân đã cố gắng, nỗ lực để trau dồi cho mình những kiến thức, kĩ năng tốt nhất để chuẩn bị cho con đường đầy chông gai nhưng cũng vô cùng vẻ vang ở phía trước. Nhưng không chỉ học những kiến thức từ sách vở, cô còn làm đẹp hơn vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách. Bởi ai cũng biết rằng, những thầy cô giỏi nhất luôn dạy bằng trái tim. Và cũng bởi, chỉ có trái tim yêu thương mới chạm đến được cả khối óc lẫn con tim. Và đó cũng là cảm hứng để sau này, cô Xuân mang tình yêu thương, sự bao dung của mình đến với những tâm hồn trẻ thơ.
Sau khi kết thúc những tháng ngày trên giảng đường, cô được phân công giảng dạy tại trường TH Văn Đức. Với tình yêu trẻ cùng sự say mê nghề giáo, cô luôn đảm nhận tốt nhiệm vụ chuyên môn cũng như những hoạt động của nhà trường. Cô luôn tâm niệm rằng “Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kì cuốn sách giáo khoa nào, bất kì câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kì một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác”. Luôn mang theo bên mình tôn chỉ ấy, ngay từ khi còn là một cô giáo trẻ mới ra trường, cô đã luôn cố gắng để trở thành tấm gương cho những cô cậu học trò. Trải qua nhiều cương vị khác nhau, cô luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đến với trường Trung học cơ sở Văn Đức, cô làm phó hiệu trưởng, rồi là hiệu trưởng.
Trung học cơ sở Văn Đức ngày ấy còn nhiều những khó khăn. Trường nằm ở khá xa trung tâm, dân cư chủ yếu là nông nghiệp nên dân trí còn hạn chế, với những cơ sở vật chất cũ cùng những trang thiết bị nghèo nàn. Cô đã trăn trở làm sao để có ngôi trường khang trang “ trường ra trường, lớp ra lớp”. Đủ phòng học rồi, cô lại mong làm sao các em có chỗ để hoạt động thể chất, vui chơi. Bởi tuy là trường vùng nông thôn nhưng lại rất “hiếm đất”. Thế là cô lại không ngừng báo cáo các cấp xin dành cho các em một khoảng sân bóng để các em rèn luyện thể dục thể thao. Và công sức của của cô đã được đền đáp. Khỏi phải nói cô vui đến thế nào! Bởi thành công này chính con em nhân dân được thụ hưởng lâu dài.
Có được cơ sở vật chất khang trang, phải làm sao xây dựng được ngôi trường chất lượng, xứng đáng với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, các cấp chính quyền. Một thực tế khó khăn đã diễn ra nhiều năm là tỉ lệ học sinh giỏi của trường không cao. Đặc biệt, các học sinh đạt giải trong cuộc thi học sinh giỏi các cấp. Trong khi đó, đội ngũ giáo viên lại thường xuyên biến động. Năm nào cũng có giáo viên xin chuyển trường. Cô thường tâm sự: “ Muốn có học sinh giỏi phải có giáo viên giỏi”. Nghĩ là làm, cô lại tìm hiểu, cùng Ban giám hiệu đưa ra những ý tưởng để tổ chức “ lớp học hạnh phúc”, câu lạc bộ… chọn những giáo viên có năng lực, tâm huyết phụ trách. Để triển khai, nhà trường còn tổ chức hội nghị để bàn với phụ huynh học sinh sao cho vừa đảm bảo chủ trương vừa được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh. Mô hình đã phát huy hiệu quả tích cực. Bên cạnh đó, cô còn thường xuyên gần gũi với học sinh, lắng nghe tâm tư của giáo viên để kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Vậy là, từ chỗ nhà trường gần như không có học sinh giỏi cấp huyện, cấp thành phố thì nay đã có quả ngọt. Nhiều năm liền, trường có học sinh giỏi cấp Thành phố, giáo viên giỏi cấp Thành phố.
Dù là giáo viên lớn tuổi nhưng cô luôn gương mẫu đi đầu. Chúng tôi thường thấy một cô giáo đến trường từ rất sớm, đích thân dọn dẹp căn phòng của mình. Chúng tôi thấy một “người bà” đứng bên đám trò nhỏ vây quanh, vuốt ve mái tóc vàng hoe màu nắng của chúng mà hỏi han, dặn dò chuyện học, chuyện chơi. Chúng tôi cũng thấy một người đồng nghiệp say nghề “ ba cùng” với giáo viên: cùng dạy- cùng dự- cùng rút kinh nghiệm. Bài học cứ thế mà sâu sắc. Tình người cứ thế mà gắn bó.
Đấy cũng là lí do mà chúng tôi và học sinh trong trường luôn coi cô là một tấm gương sáng để noi theo học tập. Cô còn luôn quan tâm tới những giáo viên trẻ trong trường. Đầu năm học, dù bận rộn đến đâu, cô vẫn luôn có buổi gặp mặt với những giáo viên trẻ để động viên và nhắc nhở. Cô đặc biệt chú trọng đến tác phong của những thầy cô giáo bởi cô luôn dặn chúng tôi rằng mỗi thầy cô chính là tấm gương cho học sinh noi theo. Học trò như thế nào thì chính là phản ánh của tấm gương mà chúng soi vào. Sự nhắc nhở của cô luôn đi theo chúng tôi để mỗi ngày đến trường, những thầy cô giáo phải luôn thận trọng trong trang phục, lời ăn, tiếng nói của mình.
Đam mê và trách nhiệm với công việc là thế nhưng cô cũng không xao nhãng bổn phận của một người con, một người vợ, một người mẹ của gia đình. Cô luôn xử sự dung hòa với tất cả mọi người. Với bố mẹ chồng, cô luôn là người dâu thảo. Với chồng, cô rất tế nhị, dịu dàng, luôn chia sẻ và đồng hành cùng chồng trong những vui buồn của cuộc sống. Không chỉ làm tròn vai trò của người con, người vợ, cô còn là một người mẹ vô cùng mẫu mực. Người ta hay nói “Dao sắc không gọt được chuôi” nhưng với gia đình cô thì ngược lại. Không chỉ truyền tình yêu nghề cho đồng nghiệp, cô còn truyền cả niềm đam mê ấy cho cô con gái lớn và giờ đây cũng đang là giáo viên giảng dạy môn Toán tại ngôi trường Văn Đức thân yêu.
Hơn 30 năm vừa hoàn thành công tác giáo dục vừa đảm nhiệm xuất sắc vai trò của người phụ nữ trong gia đình, cô đã gặt hái được thành tích đáng trân trọng như: Giấy khen đạt danh hiệu “Gia đình Nhà giáo tiêu biểu”; Giấy khen – Chi bộ trường THCS Văn Đức vững mạnh xuất sắc nhiều năm; Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; Huy chương “ Vì sự nghiệp giáo dục”…
Giỏi việc nước lại đảm việc nhà, có thể nói cho đến bây giờ, toàn bộ cán bộ giáo viên nhà trường, hội cha mẹ học sinh và gần năm trăm em học sinh yên tâm gửi trọn niềm tin ở cô- người thuyền trưởng hết lòng với sự nghiệp giáo dục của quê hương Văn Đức. Bởi cô thực sự là người hiệu trưởng năng động, có tầm và rất tâm huyết với nghề trồng người.
Nay, cô đã đến tuổi nghỉ hưu, rời xa mái trường thân thương nhưng vẫn còn đó niềm say mê và bao trăn trở với sự nghiệp giáo dục của xã nhà.
Dòng sông Hồng quê hương vẫn miệt mài bồi đắp phù sa. Hương phù sa thấm trong từng cây trái và con người nơi đây. Và chắc chắn, những dấu ấn về sự tâm huyết của cô sẽ còn mãi trong lòng nhiều thế hệ học sinh.
Lê Hà
Trường THCS Văn Đức