Hoà chung không khí chào mừng kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3/2. Trong chương trình giới thiệu sách ngày hôm nay chúng em xin giới thiệu cuốn sách có tựa đề “ Di tích cách mạng kháng chiến ở Hà Nội”.
Trên vùng đất “Rồng bay”- thủ đô ngàn năm văn hiến và anh hùng, ba phần tư thế kỷ qua đã ghi dấu hàng trăm sự kiện lịch sử gắn liền với những hoạt động của Đảng và nhân dân Hà Nội: Đó là những di tích, địa điểm di tích cách mạng- kháng chiến.
Với hơn 250 di tích và địa điểm di tích đã được thống kê, Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng di tích cách mạng- kháng chiến phong phú và đa dạng nhất nước, trong đó có nhiều di tích tiêu biểu như 5D phố Hàm Long – nơi thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên; nhà số 90 phố Thợ Nhuộm – nơi đồng chí Trần Phú đã thảo ra bản Luận cương chính trị của Đảng; Nhà tù Hoả Lò, Quảng trường Cách mạng tháng Tám, nhà số 48 phố Hàng Ngang- nơi Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà; Nhà số 12 phố Ngô Quyền- nơi đây ngày 19/8/1945, nhân dân Hà Nội đã giương cao lá cờ đỏ sao vàng khởi nghĩa đánh chiếm phủ Khâm sai dành chính quyền; Pháo đài Láng – nơi đây vào hồi 20h 03 ngày 19/12/1946 đã bắn phát pháo đầu tiên vào Hà Nội mở đầu cho toàn quốc kháng chiến; nhà số 38 Lý Thái Tổ - nơi đây ngày 6/3/1946, Bác Hồ và đại diện Chính phủ Pháp đã ký hiệp định sơ bộ... Đó là những di sản vô giá mà các thế hệ cách mạng đã để lại cho con cháu muôn đời.
Vâng, đó cũng là nội dung cuốn sách mà chúng em xin giới thiệu tới các thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh. Cuốn sách dày 579 trang với khổ sách là 15x 22 cm do tác giả Lưu Minh Trị, Vũ Quang Du chủ biên và được nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2006.
Cuốn sách gồm hai phần:
Phần thứ nhất: Tổng quan về di tích cách mạng - kháng chiến ở Hà Nội giới thiệu khái quát về số lượng và đặc điểm di tích, thực trạng bảo tồn và phát huy di tích, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục bảo vệ, tu bổ và phát huy giá trị các di tích cách mạng – kháng chiến.
Phần thứ hai: Di tích cách mạng – kháng chiến trên địa bàn Hà Nội.
Theo dòng lịch sử, cuốn sách giới thiệu 186 di tích cách mạng ở Hà Nội từ khi thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên đến ngày đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất. Đó là thời kỳ 15 năm chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám với những hoạt động khi bí mật, lúc công khai, ở nội thành và ngoại thành của các chiến sĩ cộng sản và đồng bào yêu nước ở Hà Nội ; là 60 ngày chiến đấu giam chân địch trong lòng Hà Nội của các chiến sĩ “ Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”; là chiến công xuất sắc của quân dân Thủ đô trong những ngày tạm chiến của giặc Pháp; là những trận địa phòng không với những chiến công oanh liệt hạ gục “Thần sấm”, “Con ma”, B52 của giặc Mỹ... Đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hơn 15 năm sống và làm việc tại Thủ đô, đã hàng trăm lần đến thăm hỏi, động viên, trồng cây, chống úng, chống hạn, chúc tết cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Hà Nội.
Tất cả những địa điểm và di tích, với những con người, sự kiện chân thật là minh chứng bằng vật thể và phi vật thể ghi lại những chặng đường đầy cam go thử thách, đấu tranh kiên cường, bất khuất, hy sinh anh dũng của các thế hệ cách mạng và quân dân Hà Nội, là sự tri ân của nhân dân Hà Nội đối với cách mạng, Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng đất nước, xây dựng và bảo vệ Thủ đô.
Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến, mang trong mình truyền thống kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, nhân ái, thanh lịch... Ngày nay truyền thống đó đang được bồi đắp, phát huy trong sự nghiệp xây dựng Thủ đô giàu đẹp, hiện đại, văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc. Hà nội không chỉ có bề dày lịch sử của thời kỳ dựng nước, giữ nước xa xưa mà còn in đậm những chiến tích lẫy lừng và oai hùng của thời đại Hồ Chí Minh - thời đại vẻ vang nhất của dân tộc Việt Nam.
Để biết thêm chi tiết của cuốn sách chúng em mời các thầy cô giáo và các bạn hãy đến thư viện của nhà trường để tìm đọc.