Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc đời của sự siêng năng học tập, cần cù tự học để vượt khó, vươn lên giúp ích cho bản thân và làm nên lịch sử huy hoàng cho dân tộc Việt Nam. Người đã giữ vững tinh thần và ý chí học tập không ngừng trong suốt cuộc đời. Đây là di sản quý báu Người để lại cho những thế hệ người Việt hôm nay và mai sau học tập, noi theo, tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Có ý nghĩa nhất và giá trị nhất là việc chúng ta học tập và làm theo tấm gương của Bác, từ các việc Bác làm, các lời Bác căn dặn chỉ bảo, thực hiện vào cuộc sống của mình và vì sự nghiệp phát triển của Tổ quốc của dân tộc. Trong đó, tấm gương của Bác Hồ trong việc học, vô cùng có ý nghĩa với mỗi chúng ta.
Thưở thiếu thời, Bác rất ít được đến trường học. Người thầy đầu tiên của Bác là cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Rồi đến các thầy đồ trong làng hay làng bên như thầy Hoàng Phan Quỳnh, thầy Vương Thúc Quý.
Khi bôn ba tìm đường cứu nước ở trời Tây, Người có theo học ở một số trường. Năm 1923-1924, học Trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông ở Matxcơva, đào tạo chính quy về Chủ nghĩa Mác, tuyên truyền và khởi nghĩa vũ trang. Năm 1934-1935, học ở Trường Quốc tế Lênin tại Matxcơva. Năm 1938, làm Nghiên cứu sinh ở Viện Nghiên cứu các Vấn đề Dân tộc và Thuộc địa của Quốc tế Cộng sản.
Đó là những năm tháng ít ỏi người được đến trường còn chủ yếu là con đường tự học. Tự học là cách thức chính để Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở nên một người lỗi lạc, một lãnh tụ thiên tài, một nhà văn hóa kiệt xuất.
Bác tự học thêm kiến thức. Những năm ở quê học các thầy dạy chữ Hán, cũng như khi học ở Trường Tiểu học Pháp-Việt và Trường Quốc học ở Huế, Nguyễn Tất Thành thường mượn thêm sách để đọc từ các sĩ phu yêu nước, từ thư viện của trường, để mở mang thêm kiến thức. Khi được nghe các bậc chí sĩ đàm đạo, Nguyễn Tất Thành đều có suy nghĩ nhận biết về chí khí của mỗi người và phân vân về cách làm của những người đó; có ý tìm một hướng đi khác cho mình.
Bác tự học ngoại ngữ. Bác được học chữ Hán, tiếng Pháp khi nhỏ. Quá trình bôn ba qua bao nhiêu nước, đến nước nào Người đều tự học tiếng nước đó. Do đó, Bác đọc sách báo được rất nhiều của các nhà văn như Bandắc, Huygô bằng tiếng Pháp; Sếchxpia, Giắc Lânđơn bằng tiếng Anh; Puskin, Tônxtôi bằng tiếng Nga; Lỗ Tấn bằng tiếng Trung; v.v... Bác có nhiều bài, nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Pháp, Anh, Nga, Trung. Điển hình là các bài báo đăng trên báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp, tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, vở kịch Con rồng tre, ... viết bằng tiếng Pháp; tập thơ Ngục trung nhật ký viết bằng chữ Hán là một tuyệt tác, “ một viên ngọc đánh rơi vào kho tàng văn học Việt Nam” ( Hoài Thanh)
Những năm hoạt động ở nước ngoài, Bác đều chủ động tìm hiểu văn hóa của các nước “Có thể nói ít có vị lãnh tụ nào lại am hiểu nhiều về các dân tộc và nhân dân thế giới, văn hóa thế giới sâu sắc như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến đâu Người cũng học hỏi, tìm hiểu văn hóa nghệ thuật đến một mức khá uyên thâm” ( Phong cách Hồ Chí Minh- Lê Anh Trà). Với phương châm, học ngoại ngữ để tìm đường cứu nước, Người đã xác định biết tiếng Tây để hiểu Tây, và hiểu Tây thì mới thắng được Tây. Chính niềm mong mỏi giải phóng cho đồng bào đã tạo động lực cho Người học hỏi các thứ tiếng khác để học được những tinh hoa của nhân loại, nêu cao tinh thần cộng sản quốc tế,…Bác đã học từ vựng một cách có hệ thống, học từng từ vựng, bằng cách hỏi chính người bản xứ. Người đã học từng chút một mà không có sách hướng dẫn. Người tranh thủ thời gian lúc rảnh rỗi, khi làm việc để học. Âm thầm, lặng lẽ, kiên trì, đều đặn và liên tục. Và quan trọng nhất đó là tinh thần tự học, ý chí vượt lên mọi khó khăn.
Người luôn có thái độ học tập nghiêm túc, ý thức tự học thường trực, coi đó là nguồn gốc căn bản để nâng cao trình độ bản thân. Tấm gương tự học của Người không chỉ ở tinh thần, thái độ cầu tiến trong học tập mà còn thể hiện ở tư duy học tập nghiêm túc, có nền tảng, có tính khoa học; có mục tiêu, kế hoạch cụ thể, có phương thức hành động rõ ràng, có sự kiên trì, bền bỉ, có nỗ lực sáng tạo đổi mới, được nâng tầm thành một triết lý nhân sinh và nghệ thuật rèn luyện.
Khi đã trở thành Chủ tịch nước, trước khi đi thăm nước nào, Bác đều ghi và học một số câu nói thông thường để phục vụ cho việc giao tiếp. Bác tìm hiểu truyền thống văn hóa của nước đó. Những câu chuyện ngoại giao của Bác trở thành bài học cho lớp trẻ ngày nay.
Bác từng nói rằng, “trong cuộc sống có rất nhiều vấn đề cần quan tâm, nếu thấy cái gì học cái ấy thì chỉ thu được một mớ kiến thức hỗn tạp, không có tác dụng với chính người học và cũng không đủ thời gian để học, hiểu hết tất cả. Do đó, phải căn cứ vào trình độ nhận thức, công việc đang đảm nhiệm và vị trí của bản thân để lựa chọn những điều cơ bản, thiết thực, những vấn đề cần cho lĩnh vực công tác đang đảm nhiệm hoặc nhu cầu của mình để học”.
Hơn nữa, vấn đề cốt lõi nhất của việc tự học là để nâng cao hiểu biết và để áp dụng những kiến thức đó vào làm việc, “học phải đi đối với hành”. Học mà không làm được, học mấy cũng vô ích. Học những điều quá cao xa, không sát thực tế công việc chuyên môn của bản thân trong khi thời gian dành cho tự học quá ít, việc học đó cũng chỉ để “trang trí”, cho “oai” mà thôi.
Như vậy, tinh thần tự học là rất quan trọng nhưng tự học đúng cách càng quan trọng hơn bởi khi tự học không đúng phương pháp, lượng kiến thức tiếp thu được sẽ vô cùng ít ỏi, không nhớ được lâu, thậm chí học xong là quên ngay.
Cần có phương pháp, công cụ học tập đúng đắn. Ngày nay, chúng ta có điều kiện và cơ hội tự học lớn hơn nhiều so với thời đại của Bác, với sự trợ giúp của công nghệ. Giới trẻ đang có điều kiện đầy đủ hơn về vật chất, tinh thần, nếu không nâng cao ý thức học tập, tự học, tự rèn luyện thì không thể tài giỏi và trở thành những người có ích cho cộng đồng, cho đất nước.
Có thể nói, tấm gương tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, soi xét trong thực tiễn đã qua, hiện nay và cả mai sau, vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa giáo dục hết sức sâu sắc; đó mãi là một tấm gương sáng ngời, một di sản vô giá đối với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục của Đảng và nhân dân ta. Tư tưởng và tinh thần tự học của Người mãi mãi tỏa sáng, soi rọi cho mỗi chúng ta phấn đấu, rèn luyện, tự vươn lên hoàn thiện bản thân, giúp ích cho gia đình và xã hội.
Lê Thị Thu Hà
Điện thoại: 0906125069
Đơn vị: Trường THCS Văn Đức