BÁO CÁO
TRUYỀN THỐNG 50 NĂM THÀNH LẬP
TRƯỜNG THCS VĂN ĐỨC (1966- 2016)
Kính thưa các vị đại biểu!
Kính thưa các vị khách quý!
Kính thưa các thế hệ CB-GV-NV đã và đang công tác tại trường THCS Văn Đức!
Kính thưa các thế hệ học sinh!
Cùng các em học sinh thân yêu!
Kỷ niệm 50 năm thành lập là một dấu mốc lịch sử đánh dấu một chặng đường xây dựng và trưởng thành của một ngôi trường. Hôm nay chúng ta tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường để thầy và trò chúng ta cùng ôn lại những chặng đường nhà trường đã trải qua, với bao khó khăn, gian khổ. Bằng sự cố gắng nỗ lực của những thế hệ người thầy và những tình cảm nồng ấm của các thế hệ học trò, cùng với đó là sự quan tâm sâu nặng của các cấp ủy đảng, chính quyền nhân dân và các bậc phụ huynh học sinh nơi đây. Đó là phần thưởng lớn nhất đối với các thế hệ nhà giáo đã công tác ở nơi đây.
Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường THCS Văn Đức, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy- HĐND- UBND- UBMTTQ Huyện Gia Lâm; Phòng GD &ĐT Gia Lâm; Đảng ủy- HĐND- UBND- UBMTTQ xã Văn Đức thể hiện việc thực hiện nghị quyết của Đảng và đưa nghị quyết vào cuộc sống “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”
Mục đích tổ chức lễ kỷ niệm ngày hôm nay nhằm ôn lại truyền thống của các thế hệ Cán bộ- Giáo viên- Nhân viên và các thế hệ học sinh đã từng công tác, học tập tại trường. Và để làm nên sự kiện này là nhờ sự ủng hộ của tất cả các thế hệ học sinh đã trưởng thành từ ngôi trường thân yêu của chúng ta.
Khi nói tới quá trình xây dựng nhà trường chúng ta không thể không nhắc tới các thế hệ CB-QL đó là thầy giáo Vũ Duy Quang- Hiệu trưởng đầu tiên khi nhà trường cấp 2 năm đó mới chỉ có 2 lớp 5 với 95 học sinh (phải học cùng với trường cấp 1), đến tháng 9 năm 1967 trường có thêm 2 lớp 6, chỉ với một năm công tác xong thầy đã cùng tập thể giáo viên hoàn thành xuất sắc việc đặt nền móng cho ngôi trường của chúng ta hôm nay. Thầy Phan Hữu Thủy với hai lần nhận chức danh Hiệu trưởng nhà trường tổng cộng là 20 năm công tác thầy đã lãnh đạo dẫn dắt nhà trường vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, trong những ngày kháng chiến chống Mỹ và trong thời kỳ bao cấp thầy Phạm Bình Minh 7 năm tiếp tục khắc phục khó khăn lãnh đạo nhà trường thực hiện phong trào thi đua dạy tốt- học tốt. Thầy Đặng Văn Thụ với 10 năm làm hiệu phó và 18 năm làm Hiệu trưởng thầy đã lãng đạo nhà trường đưa chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường ngày một nâng cao và phấn đấu xây dựng trường trở thành trường đạt chuẩn Quốc gia. Với mục tiêu đó cô Nguyễn Thị Xuân sau khi tiếp nhận chức danh Hiệu trưởng đã lãnh đạo, cùng với tập thể CB-GV-NV của nhà trường tiếp tục phấn đấu và thật tự hào năm 2011 nhà trường được UBND Thành phố Hà Nội công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia và tháng 3/2012 đã tổ chức thành công lễ đón nhận Bằng công nhận trường THCS Văn Đức đạt chuẩn Quốc gia. Hôm nay tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường, hội tụ các thế hệ CB-GV-NV và các thế hệ học sinh dưới mái trường này, các thế hệ lãnh đạo nhà trường tự hào đã vững vàng đưa nhà trường vượt qua mọi khó khăn thử thách, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên- nhân viên ngày một trưởng thành, đưa các em học sinh an toàn, bình yên tới bến bờ hạnh phúc.
Cùng với đó là sự quan tâm của các thế hệ lãnh đạo và sự quan tâm giúp đỡ của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, từ những ngày đầu thành lập, ngoài việc quan tâm về việc xây dựng và phát triển nhà trường các bác còn lo lắng giới thiệu cho các thầy, cô nơi ở tạm để các thầy cô yên tâm công tác và tạo mọi điều kiện cho nhà trường nâng cao chất lượng giảng dạy. Cho đến các thế hệ lãnh đạo ngày nay càng thấm nhuần hơn ai hết quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, không những tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho giáo dục mà còn động viên rất kịp thời những thành tích mà thầy và trò nhà trường đạt được. Điều đó làm động lực phấn đấu cho nhà trường.
Người viết nên lịch sử nhà trường là các thế hệ các thầy giáo, cô giáo trực tiếp tham gia giảng dạy. Các thầy cô đặt những viên gạch hồng tri thức cho các thế hệ học sinh của trường. Những người thầy đầu tiên là cô Hoàng Thị Phú, Thầy Nguyễn Như Đạt, cô Nguyễn Thị Tường, Cô Cao Hồng Dung, Thầy Nguyễn Văn Năm...khi nhận được lời mời về dự lễ kỷ niệm các thầy, các cô đều rưng rưng nhớ về trường xưa, ngày ấy... với một ngôi trường chỉ có một dãy nhà ngói cấp 4 gồm 4 phòng học; một ngôi nhà ngói 2 gian làm Văn phòng. Các cô giáo từ Hà Nội về công tác do nhà xa nên phải mang con nhỏ cùng đi. Khi trường chưa có nhà tập thể, các cô phải ở nhờ trong nhà dân (nhà bà Nháy, bà Đầm, cụ Du, cụ Khê, cụ Bèo...) các thầy, các cô đã nhận được sự giúp đỡ, tình yêu thương, đùm bọc của mỗi ngưới dân nơi đây cho đến khi trường có khu tập thể là một dãy nhà vách đất, lợp giấy dầu. Xong khu tập thể ở xa nhà dân, vắng vẻ, thương các cô các em học sinh đã lên ngủ cùng để cô đỡ sợ. Rồi có bắp ngô non, củ cà rốt tươi trò lại mang đến “tặng” cô...bằng cả tầm chân tình.
Trường THCS Văn Đức ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang bước vào giai đoạn quyết liệt. Những ngày đế quốc Mỹ leo thang bắn phá Hà Nội, xã Văn Đức cũng là một trong những vùng trọng điểm ném bom của kẻ thù vì có bến phà Khuyến Lương và con đường chiến lược 179 chạy qua. Các thầy các cô phải sơ tán, rời lớp học về giải võ Đình Trung quan và nhà mẫu giáo trong làng. Thầy cô giáo cùng với nhân dân trong xã tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, dứt tiếng bom các thầy cô xuống thôn bới hầm chuyển người bị nạn về trạm xá cấp cứu. Sau đợt đó thầy Phan Hữu Thủy, thầy Nguyễn Thọ Thế được Sở GD&ĐT và UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen.
Theo Quyết định số 489/QĐ-TCUB của UBND huyện Gia Lâm ngày 26/11/1996 trường đổi tên từ trường PTCS cấp 2 Văn Đức thành trường THCS Văn Đức ngày hôn nay.
Được sự quan tâm của Huyện ủy – UBND Huyện Gia Lâm, Phòng GD &ĐT Gia Lâm năm 1997 trường được xây dựng một khu nhà kiên cố 2 tầng gồm 8 phòng học (khu A). đến năm 2003 trường lại tiếp tục được đầu tư dỡ bỏ khu nhà cấp 4 với 4 phòng học thay thế bằng một khu nhà 2 tầng gồm 8 phòng học (khu nhà B). Năm 2009 nhà trường tiếp tục được đầu tư khu nhà hiệu bộ
Nhà trường gặp thật nhiều khó khăn đối với đội ngũ nhà giáo: Do vị trí của trường ở xa trung tâm, là một trường nhỏ của Huyện, các đồng chí giáo viên khi được điều động về trường họ đều còn rất trẻ mới ra trường. Có người ở lại trường 1 năm, có người ở lại trường vài ba năm cùng với đó là xây dựng gia đình riêng; sinh nở; có người ở xa trường 20-30 km điều kiện đi lại vô cùng khó khăn. Tất cả những điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dạy và học của nhà trường.
Ban cha mẹ học sinh nhà trường qua các thời kỳ là một tổ chức gắn liền trong tập thể nhà trường. Những người đầu tiên tham gia là ông Trần Văn Lai, ông Phạm Văn Tuân, ông Trần Ngọc Hòa, rồi ông Đặng Minh Lãng, Đặng Bá Hùng, Nguyễn Anh Đức..., các ông, các bác đại diện cho các Bậc cha mẹ học sinh kề vai, sát cánh cùng lãnh đạo nhà trường đi vận động các em học sinh nghỉ học giữa chừng ra lớp, phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh. Rồi sau này là bác Nguyễn Văn Dũng, Chử Văn Sơn nay là bác Vũ Văn Cảnh làm trưởng Ban cha mẹ học sinh, các bác thực sự là cầu nối quan trọng giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Họ đã góp phần không nhỏ giúp nhà trường hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Vượt lên trên những khó khăn đó Ban lãnh đạo nhà trường tăng cường bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ các thầy giáo cô giáo cốt cán, gắn bó với nhà trường; phát huy tiềm năng của lớp giáo viên trẻ với tinh thần dù ở trường ngày nào cũng cố gắng hết sức mình góp phần xây dựng nhà trường ngày càng vững mạnh, mục tiêu của mỗi thầy cô là hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với những thành tích: đạt GVDG các cấp, có nhiều HSG cấp huyện, thành phố.
Các thế hệ học sinh chính là những người làm nên lịch sử của nhà trường. Các em dùng những con chữ mà các thầy giáo, cô giáo đem đến để viết nên trang sử của bản thân và góp phần tô thắm thêm truyền thống lịch sử của nhà trường như học sinh Đàm Văn Hường nay là Hiệu trưởng trường CĐ Du lịch và Thường mại; học sinh Nguyễn Văn Lâm nay là Đại tá Cục dân quân tự vệ Bộ tổng tham mưu- Bộ quốc phòng; học sinh Đặng Đình Lượng, Chử Thị Hương, Chử Đức Tùng đạt Huy chương Vàng thể dục thể thao, học sinh Nguyễn Thị Tĩnh được suy tôn là Nữ hoàng điền kinh Segam 22 nay là huấn luyện viên môn Điền kinh, học sinh Nguyễn Thị Thu Hà giải nhất cấp Thành phố về văn hóa...
Mặt khác cùng với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo nhà trường thu hút thầy cô giáo và các em học sinh là người địa phương về công tác tại trường cho đến nay có 12/30 Cán bộ- Giáo viên – Nhân viên người địa phương.
Theo dòng chảy của thời gian, đến nay mái tóc các thầy, các cô đã bạc trắng. Các thế hệ CB-GV- NV tiếp bước viết tiếp vào trang sử vàng lịch sử truyền thống của nhà trường với những thành tích ngày một cao hơn, cụ thể:
Giai đoạn trước năm 2006:
- Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở: 02
- Đạt thành tích cấp thành phố:
+ Giáo viên giỏi: 01
+ Học sinh giỏi: 01;
+ TDTT: 02 Huy chương vàng,
- Đạt thành tích cấp Huyện:
+ Giáo viên giỏi: 16
+ Học sinh giỏi: 09 em
Giai đoạn từ năm 2007đến nay:
- Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở: 05
- Đạt thành tích cấp thành phố:
+ Giáo viên giỏi: 01
+ Học sinh giỏi: 20 em;
+ TDTT: 03 HCV, 01 HCB, 10 HCĐ
- Đạt thành tích cấp Huyện:
+ CBQL giỏi: 06 lượt
+ Giáo viên giỏi: 49 lượt trong đó có những thầy cô tham gia thi giáo viên giỏi nhiều lần: Cô Nguyễn Thị Lan, cô Đỗ Thị Chiều, Lê Thúy Sen, Lê Thị Thu Hà, Nguyễn Xuân Ánh...
+ Học sinh giỏi: 47 em; một số thầy cô có nhiều học sinh giỏi cấp Thành phố như Cô Lê Thị Loan, Lê Thúy Sen, Nguyễn Thị Thanh Phương...
- Chi bộ nhà trường liên tục đạt Chi bộ trong sạch vững mạnh
- Công đoàn nhà trường liên tục đạt công đoàn vững mạnh; Vững mạnh xuất sắc
- Liên đội nhà trường liên tục đạt Liên đội vững mạnh
- Trường liên tục nhiều năm liền đạt tập thể lao động tiên tiến cấp Huyện.
Đặc biệt trong năm học 2015-2016 năm học đạt thật nhiều những thành tích vẻ vang chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập trường với 01 giải nhì Quốc gia; 01 giải khuyến khích thành phố của giáo viên; 03 học sinh đạt giải cấp thành phố. 11 học sinh giỏi cấp Huyện; 11 CB-GV-NV đạt CBQL giỏi, GVDG, GVCNG, NVG...
Tập thể CB-GV-NV và học sinh nhà trường tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, ủng hộ nhân đạo do các cấp phát động, với số tiền hàng năm khoảng hơn 80 triệu đồng. Ngoài việc thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách theo quy đinh cho học sinh, nhà trường còn miễn, giảm cho các em học sinh thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo, học sinh khuyết tật hàng năm khoảng 15 triệu đồng.
Do vị trí trường xa thiếu rất nhiều giáo viên nên trường hợp đồng nhiều các thầy cô ở các địa phương lân cận đến dạy hợp đồng giúp trường, như các cô giáo ở trường THCS Kim Lan, Phụng Công - Hưng Yên... Cùng với những thành tích của các thầy cô trong biên chế thì các thầy cô giáo hợp đồng cũng đóng góp một phần không nhỏ trong đó có thầy Phạm Đình Hữu: TPT giáo viên dạy thể dục người đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng nề nếp học sinh như ngày hôm nay; cô Vũ Quỳnh Trang tham gia thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp Huyện; có học sinh giỏi bộ môn văn đầu tiên tại trường, cô giáo Phạm Ngọc Yến dạy môn Tin học đã đóng góp nhiều học sinh giỏi cấp Huyện và có 2 học sinh giỏi cấp Thành phố.
Đạt được nhiều thành công trên là nhờ có sự chỉ đạo,quan tâm đầu tư cơ sở vật chất của Huyện ủy- HĐND- UBND- UBMTTQ Huyện Gia Lâm; Phòng GD &ĐT Gia Lâm; Đảng ủy –HĐND- UBND- UBMTTQ xã Văn Đức và các bậc phụ huynh của nhà trường.
Trong năm học 2016-2017 về quy mô trường lớp nhà trường có:
- Tổng số học sinh : 432 học sinh với 12 lớp, mỗi khối 3 lớp
- Chỉ tiêu đăng ký:
+ Văn hóa: khá – giỏi: 70% trở lên
+ Hạnh kiểm: từ khá trở lên: 99% trở lên
- Đỗ tốt nghiệp: 100%
- Học sinh giỏi cấp Huyện trở lên: 8 em
- Tổng số cán bộ, Giáo viên, nhân viên: 30 người
Chỉ tiêu đăng ký thi đua:
- Chiến sỹ thi đua cơ sở: 04
- Tổ lao động giỏi: 02 tổ
+ 01 Tổ Khoa học Tự nhiên
+ 01 Tổ Khoa học Xã hội
- Cá nhân: 18 đồng chí đăng ký danh hiệu GV dạy giỏi, GVCNG, CBQL giỏi, nhân viên giỏi.
- Trường đạt tập thể lao động tiên tiến cấp Huyện.
- Chi bộ đạt trong sạch vững mạnh
- Công đoàn Vững mạnh xuất sắc
- Liên đội đạt vững mạnh cấp Huyện
Thay mặt HĐSP nhà trường xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, của nhân dân xã Văn Đức đã giúp đỡ nhà trường trong suốt 50 năm qua. Trong những năm tới nhà trường rất cần đến sự quan tâm hơn nữa của các cấp các ngành để cơ sở vật chất, khung cảnh sư phạm và đặc biệt là đội ngũ giáo viên ngày càng hoàn thiện hơn đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới.
50 năm đã qua là một chặng đường thử thách và rèn luyện; những năm tới là những năm khẳng định và vươn lên góp phần xây dựng xã Văn Đức ngày một giàu đẹp, văn minh. Xứng đáng với truyền thống của một xã Anh hùng.
Thay mặt cho Ban tổ chức xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, các vị đại biểu, các vị khách quí, các thế hệ CB- GV- NV và học sinh đã và đang công tác tại trường THCS Văn Đức dồi dào sức khỏe; hạnh phúc và thành công!
Xin trân trọng cảm ơn!