UBND HUYỆN GIA LÂM CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM TRƯỜNG THCS VĂN ĐỨC Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
Văn Đức, ngày 09 tháng 12 năm 2019
BÀI TUYÊN TRUYỀN
PHÒNG CHỐNG DỊCH SỐT XUẤT HUYẾT
Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến!
Hiện nay dịch sốt xuất huyết đang bùng phát ở nhiều nơi trên cả nước và diễn biến hết sức phức tạp. Trên địa bàn huyện Gia Lâm, toàn địa bàn huyện ghi nhận các ca mắc bệnh sốt xuất huyết tại các xã: Yên Thường, Đặng Xá, Kiêu Kỵ, Phú Thị và TT Yên Viên.
Dịch sốt xuất huyết thường xảy ra theo mùa, dịch bắt đầu từ tháng 3 và kéo dài đến cuối năm, cao điểm là vào tháng 7,8,9,10.
1. Bệnh sốt xuất huyết là gì?
- Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra.
- Bệnh diễn biến nhanh có khả năng thành dịch lớn, là bệnh nặng có tỷ lệ tử vong cao.
- Đường lây: Bệnh sốt xuất huyết lây do muỗi vằn (Aedes Aegypti) đốt hút máu người bệnh truyền sang người lành.
- Muỗi vằn có màu đen, ở lưng và chân có nhiều khoang trắng, thường sống trong nhà, đậu vào chỗ tối, góc treo quần áo.
- Muỗi vằn đốt hút máu vào ban ngày, mạnh nhất là vào sáng sớm và chập tối.
- Bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có vắc xin dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu.
2. Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết:
- Thể nhẹ: Sốt cao đột ngột 39-40 C, liên tục kéo dài từ 2-7 ngày, đau đầu vùng trán nhiều, nhức hai hốc mắt, nhìn mờ, đau mỏi toàn thân, da khô nóng đỏ.
- Thể nặng:
+ Có các dấu hiệu xuất huyết:
. Các ban, chấm xuất huyết màu đỏ rải rác ở cẳng tay, cẳng chân, hai bên sườn, căng da không mất nốt xuất huyết.
. Có thể chảy máu cam, chảy máu chân răng, lợi.
. Phụ nữ có thể có kinh bất thường, kinh nguyệt kéo dài.
+ Theo dõi người bệnh chặt chẽ phát hiện sớm các dấu hiệu nghi sốc: li bì, mệt mỏi, bồn chồn khó chịu, vã mồ hôi, da và chân tay lạnh, môi tím tái, đau bụng, khó thở, tiểu ít.
+ Có thể xuất huyết nội tạng: gan, thận, tiêu hóa (nôn ra máu, đi ngoài phân đen như bã cafe, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt).
- Mọi người đều có thể bị sốt xuất huyết nếu bị muỗi vằn hút máu người bị bệnh truyền cho. Nhưng thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi.
* Làm gì khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết?
- Hãy đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để khám bệnh, các trường hợp nhẹ có thể chăm sóc tại nhà.
- Nằm nghỉ tại nhà, hạn chế đi lại.
- Ăn nhẹ: Cháo, súp, sữa.
- Uống nhiều nước, uống dung dịch ozerol, nước trái cây.
- Hạ nhiệt bằng thuốc Paracetamon, làm mát trán, hố lách, vùng bẹn.
- Nằm màn để tránh muỗi đốt làm lây truyền bệnh.
- Tuyệt đối không cho người bệnh uống Aspirin, không cạo gió, chích lể.
3. Các biện pháp phòng dịch:
- Tổng vệ sinh sạch sẽ lớp học, trường học hằng ngày, hằng tuần.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ, nhà cửa ngăn nắp, gọn gàng, thoáng mát, không treo, vắt nhiều quần áo làm chỗ để muỗi trú ngụ,...
- Mặc quần áo dài tay, ngủ nằm màn cả ban ngày lẫn ban đêm.
- Không để trẻ chơi ở góc tối để tránh muỗi đốt.
- Thu gom, loại bỏ phế liệu, phế thải, ống bơ, lon nước, chai lọ chứa nước đọng quanh nhà để triệt nơi sinh sản của muỗi.
- Đậy nắp bể, chum vại chứa nước, hàng tuần thau nước, cọ rửa bể, chum, vại. Thả cá vào bể nước để diệt bọ gậy.
- Phun thuốc diệt nuỗi nơi công cộng, các khu vực có nguy cơ cao, ổ dịch cũ và trong các nhà để diệt trừ muỗi, có thể dùng hương diệt muỗi.
- Xoa thuốc chống muỗi đốt vào những vùng da để hở.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức nói chuyện, phát tờ rơi về cách nhận biết và các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết để mọi người hiểu và tự giác tham gia.
- Giám sát chặt chẽ các chỉ số muỗi, bọ gậy, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh để cách ly, theo dõi và điều trị kịp thời, xử lý ổ dịch đúng qui cách, không dể dịch lan rộng.
- Diệt bọ gậy, loăng quăng, muỗi vằn là biện pháp đơn giản, hiệu quả và dễ thực hiện để phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
4. Bệnh cảm, cúm là gì?
Bệnh cúm (cảm là bệnh lý nhẹ hơn cúm) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây ra. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao từ người sang người, có khả năng gây thành đại dịch và biến chứng hô hấp có thể gây tử vong.
5. Cơ chế lây bệnh?
Bệnh lây qua đường hô hấp do tiếp xúc với vi rút từ người bệnh thông qua dịch hắt hơi, sổ mũi trong thời gian từ 1 đến 7 ngày sau khi khởi phát bệnh.
6. Dấu hiệu của cảm, cúm là gì?
- Sốt (trên 38 độ).
- Ho (ho khan hoặc ho có đờm), đau họng.
- Đau đầu hoặc đau cơ, mệt mỏi.
- Chảy nước mắt, nước mũi.
- Một số người có biểu hiện nôn, buồn nôn…
- Trường hợp nặng: bệnh có thể diễn biến gây viêm phổi, suy hô hấp và có thể dẫn đến tử vong.
7. Các biện pháp phòng chống?
a. Tăng cường vệ sinh cá nhân
- Thường xuyên rửa tay kỹ bằng xà phòng với nước sạch, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi.
- Che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy để giảm phát tán dịch theo đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt khăn thật sạch bằng xà phòng. Không khạc nhổ bừa bãi.
b. Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh
- Tránh tiếp xúc với người bị bệnh. Khi cần thiết phải tiếp xúc với người bị bệnh thì phải đeo khẩu trang y tế.
- Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp.
c. Tăng cường sức khỏe và khả năng phòng bệnh
- Hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, mắt (bằng dung dịch nước muối sinh lý)
- Đảm bảo nơi ở, nơi làm việc, học tập thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng.
- Ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, kết hợp tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng, bảo vệ cơ thể.
8. Làm gì khi có biểu hiện nghi mắc cảm cúm?
Nếu bản thân có các dấu hiệu như: sốt, ho, đau họng thì cần hạn chế tiếp xúc với mọi người, đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và chăm sóc sức khỏe tạm thời.
* Vậy nhiệm vụ của học sinh chúng ta là:
- Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, có thể nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý hàng ngày…
- Che miệng khi ho và hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi.
- Vệ sinh nhà ở, lớp học sạch sẽ, mở cửa phòng học cho thoáng, nhiều ánh sáng…
- Vệ sinh môi trường thông thoáng, không vứt rác tùy tiện…
- Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh, khi tiếp xúc phải đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm.
- Trong gia đình khi có người có biểu hiện triệu chứng của cúm cần đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để có biện pháp điều trị và cách ly kịp thời.
Qua bài tuyên truyền trên cô hy vọng các em hiểu được bệnh sốt xuất huyết là gì, biết được các biểu hiện, cách phòng tránh dịch bệnh; các em hãy tuyên truyền cho người thân và mọi người xung quanh cùng biết để phòng tránh dịch bệnh nguy hiểm này!
Cuối cùng xin kính chúc các thầy cô giáo một sức khỏe dồi dào, các em học sinh có một tuần học bổ ích và giành nhiều bông hoa điểm tốt!