Hướng tới kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, lớp 9C chúng em xin giới thiệu với các thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn cuốn sách “Người mẹ cầm súng” của nhà văn Nguyễn Thi.
Trong lòng mỗi chúng ta ai cũng có một người mẹ để kính trọng, để yêu thương, kể về người mẹ nào cũng là cả một huyền thoại. Nhưng có những người không phải riêng một ai, mà là cả đất nước, cả một dân tộc đời đời suy tôn và cất cao tiếng gọi mẹ thiêng liêng như một niềm tự hào.
"Người mẹ cầm súng" là một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Thi. Cuốn sách này nằm trong "Tủ sách vàng" của nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản năm 2014. Chỉ vẻn vẹn 119 trang, nhưng nhà văn Nguyễn Thi đã giúp chúng ta thấy được một hình tượng đẹp về người mẹ Việt Nam anh hùng bất khuất, trung hậu, đảm đang trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước: đó chính là chị Nguyễn Thị Út hay còn gọi là chị Út Tịch.
Cuốn sách kể về cuộc đời và gương chiến đấu của chị Nguyễn Thị Út - anh hùng lực lượng vũ trang tỉnh Trà Vinh trong kháng chiến chống Mỹ. Từ một cô bé con nhà nghèo phải đi ở đợ, Chị đã được cách mạng giác ngộ và trưởng thành, trở thành một chiến sĩ du kích dạn dày kinh nghiệm cùng đồng đội liên tiếp lập nhiều chiến công. Nhưng có ai ngờ rằng thành tích đó là của chính người mẹ có đến chín lần sinh nở. Điều đặc biệt là cứ mỗi lần sinh được ít ngày, chị Út Tịch lại cầm súng ra trận chiến đấu hết mình và mang về những chiến công lừng lẫy. Nhưng sinh người con thứ 9 vừa được 14 ngày thì chị hy sinh...
Trong đời làm mẹ và đánh giặc của chị, các mối quan hệ được nhà văn miêu tả hết sức sinh động với nhiều tình huống khác nhau, mâu thuẫn khác nhau. Mối quan hệ giữa chị và đàn con, với chồng, với đồng bào xã Tam Ngãi, với quân thù.
Những ngày tháng cơ cực đi ở đợ cho địa chủ Hàm Giỏi, con gái Đồng Thanh chị đã từng phản kháng lại khi bị đánh đập đã man. Nhiều người hỏi “uống thuốc gì mà gan dữ vậy” chị trả lời là có uống thuốc gì đâu, bị đòn nhiều quá phải ngậm ở trong lòng mới nảy sinh ra cái gan dữ vậy. 14 tuổi thôi nhưng chị đã biết rút ra một điều có ý nghĩa làm phương châm “đánh nó để nó không đánh được mình”. Với bọn địa chủ như thế, sau này đánh Pháp, đánh Mỹ cũng vậy, lên 15 tuổi chị xin đi bộ đội, các chú bộ đội hỏi “tại sao…” chị trả lời ngay “đi đánh Tây sướng bằng tiên chứ cực gì?”. Đó là quan điểm về hạnh phúc về sướng khổ ở đời của chị. Với quan điểm đó chị Út Tịch đã đánh Pháp, đánh Mỹ rất nhiệt tình và hào hứng.
Đọc cuốn truyện ký chúng ta còn thấy được cả một gia đình nhà chị Út sôi nổi và hào hứng với cách mạng chứ không riêng gì chị. Các bạn thân mến! Chính vì sự hy sinh cao cả, tình yêu gia đình, tình yêu đất nước của chị cũng như cả gia đình chị mà cả gia đình chị Út Tịch luôn được đồng bào Tam Ngãi rất đỗi yêu thương. Đặc biệt con người chị sống và chiến đấu là một tấm gương lớn không những cho đồng bào lúc bấy giờ học tập mà thế hệ con cháu noi theo trong những cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước mai này.
Chị là một người phụ nữ tiêu biểu, đại diện cho người phụ nữ miền Nam anh hùng nói riêng, và phụ nữ Việt Nam nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cũng như bao người phụ nữ khác, với vẻ ngoài giản dị, chất phác nhưng bên trong chị hơn cả người mẹ, người vợ, là người chiến sĩ cách mạng sẵn sàng hy sinh tất cả vì sự nghiệp giải phòng đất nước.
Để biết thêm chi tiết của cuốn sách, chúng em xin mời các thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh hãy đến với thư viện nhà trường để đọc cuốn sách này nhé. Hy vọng rằng cuốn sách sẽ là tài liệu bổ ích giúp bạn đọc hiểu hơn về những công lao to lớn góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước của những người Mẹ - Mẹ Việt Nam anh hùng.