Kính thưa các thầy, cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến!
Hoà chung không khí chào mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và ngày Hội quốc phòng toàn dân.
Trong buổi tuyên truyền giới thiệu sách ngày hôm nay, chúng em xin trân trọng giới thiệu với các thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn cuốn sách mang tựa đề “65 năm Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng (1944-2009)”
Sách do Trung tâm nghiên cứu lịch sử- văn hoá Việt biên soạn và được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành năm 2009. Cuốn sách dày 539 trang với khổ sách là 19x 37 cm.
Nội dung cuốn sách gồm 4 phần:
- Phần I: Sự ra đời của Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944) và cách mạng tháng Tám 1945
Ngày 3 tháng 2 năm 1930 Đảng ta ra đời, lịch sử nước ta bước sang một giai đoạn mới- giai đoạn cách mạng Việt Nam do giai cấp công nhân Việt Nam lãnh đạo.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng các cuộc khởi nghĩa của quân và dân ta diễn ra ở khắp các địa phương. Đặc biệt là cuộc khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra đêm 22 rạng ngày 23 tháng 11 năm 1940 với khí thế mạnh mẽ, quy mô to lớn và tính chất quần chúng rộng rãi. Trên khắp 18 tỉnh từ Biên Hoà đến Cà Mau, nhân dân nhất tề đứng lên đạp đổ bộ máy thống trị của thực dân Pháp, thành lập chính quyền cách mạng ở nhiều nơi. Trong không khí cách mạng sục sôi, quân du kích Nam Kỳ ra đời cùng với nhân dân khởi nghĩa chiến đấu, nhiều tấm gương hy sinh quên mình, nhiều cách đánh độc đáo xuất hiện trong cuộc khởi nghĩa này.Tiêu biểu là các đội du kích Hóc Môn.
Ngày 14 tháng 12, quân địch dùng một lực lượng lớn cả thuỷ, lục, không quân thẳng tay đàn áp, khủng bố, dìm cuộc khởi nghĩa trong biển máu.
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ là một trang sử đấu tranh cách mạng oanh liệt trong lịch sử cách mạng của nhân dân ta do Đảng lãnh đạo, cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam Kỳ là tiếng kèn báo hiệu một thời kỳ mới của cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Quân du kích Nam Kỳ ra đời trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng đó là một trong những lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên của quân đội ta.
Cuối năm 1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước sau khi thoát khỏi nhà tù Tưởng Giới Thạch. Người Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Trong chỉ thị Người ghi rõ: Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự... Chấp hành Chỉ thị của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 22 tháng 12 năm 1944 Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại một khu rừng nằm giữa 2 tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo Thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Trung ương Đảng và Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tổ chức, lãnh đạo và tuyên bố thành lập Đội. Đội gồm 34 người( có 3 nữ) chia thành 3 tiểu đội. Vũ khí của đội có 34 khẩu súng đủ loại, đội có chi bộ Đảng lãnh đạo.
Sau ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã đánh thắng giòn giã hai trận: Phai Khắt và Nà Ngần.
Cùng thời gian này, tại Nam Bộ cũng lần lượt ra đời nhiều đội vũ trang cách mạng. ở bến tre, có Đội Cứu quốc quân, sau đổi tên là Đội Cảm tử quân. Ở Sa Đét, có nhiều Đội xung phong vũ trang của các xã.
Để đẩy mạnh hơn nữa việc chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 4 năm 1945, Ban thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, do đồng chí Trường Chinh chủ trì, tham dự Hội nghị có các đại biểu các chiến khu Việt Bắc và Quang Trung. Hội nghị thống nhất Cứu quốc quân và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cùng các tổ chức vũ trang khác, thành lập Việt Nam giải phóng quân để cùng với nhân dân tiến hành khởi nghĩa.
Đầu tháng 5 năm 1945, sau khi nghe báo cáo tình hình, Chủ Tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: Vùng Cao- Lạng, Bắc- Thái, Hà –Tuyên có địa thế nối liền nhau, nên lập thành một khu căn cứ chung lấy tên là khu giải phóng.
Chấp hành nghị quyết và chỉ thị đó, ngày 15 tháng 5 năm 1945, lễ thành lập Việt Nam giải phóng quân được tổ chức tại Định Biện Thượng ( chợ Chu, Thái Nguyên). Các đơn vị Cứu quốc quân và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thống nhất thành bộ đội chủ lực của Việt Nam giải phóng quân, lực lượng lên đến 13 đại đội.
Việt Nam giải phóng quân đã cùng với bộ đội địa phương, du kích và tự vệ chiến đấu, cùng toàn thể nhân dân đoàn kết chiến đấu và liên tiếp dành thắng lợi tạo đà cho cách mạng tháng Tám thành công. Ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945 tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản tuyên ngôn độc lập, tuyên bố khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Châu Á, mở đầu một kỷ nguyên mới của dân tộc, kỷ nguyên độc lập và tự do, kỷ nguyên nhân dân Việt Nam đứng lên làm chủ vận mệnh của mình, mở đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Một chi đội Giải phóng quân hàng ngũ chỉnh tề đã cùng 50 vạn nhân dân Hà Nội họp mít tinh chào mừng chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Cũng từ ngày ấy, Giải phóng quân Việt Nam trở thành Quân đội của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và được đổi tên thành Vệ quốc đoàn.
- Phần II: Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945- 1954).
Ở phần này có 2 chương:
Chương I: Các chiến dịch và những trận đánh tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954).
Chương II: Điện Biên Phủ dấu ấn lịch sử xoá bỏ chế độ thực dân phong kiến.
Dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 7 tháng 5 năm 1954, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt sau 55 ngày đêm chiến đấu liên tục và mãnh liệt của quân đội ta.
Những chiến thắng to lớn ấy là kết quả của sự chỉ đạo chiến lược cách mạng tài tình, xây dựng lực lượng hùng hậu của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đánh dấu bước phát triển cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.
- Phần III: Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975).
Phần này có 4 chương:
Chương I: Đường lối của Đảng về đấu tranh vũ trang tiến tới thống nhất đất nước.
Chương II: Quân đội nhân dân vừa xây dựng chính quyền vừa làm nhiệm vụ chiến đấu.
Chương III: Các chiến dịch và những trận đánh tiêu biểu tiến tới Tổng tiến công.
Chương IV: Tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam.
- Phần IV: Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá.
Phần này gồm có 2 chương:
Chương I: Quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chương II: Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.
Đọc cuốn sách là dịp chúng ta nhìn lại những trang lịch sử sáng ngời của dân tộc và càng cảm thấy tự hào về Quân đội nhân dân Việt Nam đúng như lời Hồ Chủ Tịch đã nói Quân đội nhân dân Việt Nam trung với Đảng- hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Để biết thêm chi tiết xin mời các thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn hãy đến với thư viện của nhà trường để đọc cuốn sách này nhé!
Chúng em xin cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe.